Phòng chống Bệnh không lây nhiễm tại Đông Nam Á: Chúng ta biết gì từ tài liệu hiện có?

|
Phòng chống Bệnh không lây nhiễm tại Đông Nam Á: Chúng ta biết gì từ tài liệu hiện có?

Các nhóm nghiên cứu trong dự án SUNI-SEA đã xem xét các tài liệu hiện có tại Đông Nam Á liên quan đến công tác phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất mà chúng tôi sẽ áp dụng trong dự án.

Thuốc lá

Tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá là rất cao tại các quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ, tại Indonesia, 76% nam giới hút thuốc và tỷ lệ này là 13% đối với thanh thiếu niên. Tại Myanmar và Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc có phần thấp hơn, tuy nhiên việc tiêu thụ thuốc lá vẫn được cho là nguyên nhân dẫn tới số lượng người tử vong rất cao mỗi năm – trong khoảng 65.000 và 75.000 ca tại hai quốc gia này. Việc khuyến khích người dân tại Đông Nam Á từ bỏ thuốc lá có thể cứu sống hàng nghìn mạng người và giảm chi phí y tế quốc gia trong điều trị ung thư phổi và các bệnh về tim mạch. Chúng tôi đã xác định tám chương trình và can thiệp sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng, tập trung vào việc giảm tiêu thụ thuốc lá. Các can thiệp cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc khích lệ cá nhân, trong khi đó các can thiệp cộng đồng hoặc theo nhóm tại các phòng khám, trường học và hộ gia đình sử dụng các buổi họp nhóm hoặc đưa tạo ra động cơ cho nhóm. Tất cả các can thiệp được chúng tôi nghiên cứu đều thành công, nhưng có hai phương pháp mang lại tỷ lệ bỏ thuốc cao hơn: một cách là thông qua tư vấn tại phòng khám (cả đối với cá nhân và đối với nhóm) và cách còn lại là bằng các khích lệ tài chính. Cả hai biện pháp can thiệp này đều có yêu cầu đầu vào cao về tài chính hoặc nguồn nhân lực nhưng không được xác nhận về mặt hiệu quả chi phí.

 

Rượu bia

Mức độ tiêu thụ rượu có sự khác biệt lớn ở các vùng khác nhau tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, trung bình mỗi người dân trên 15 tuổi tiêu thụ hơn 8 lít cồn nguyên chất trong một năm. Con số này là 5 lít ở Myanmar và dưới 1 lít tại Indonesia. Chúng tôi chỉ xác định được bốn biện pháp can thiệp với mục tiêu giảm mức độ tiêu thụ rượu. Hai trong số đó là các can thiệp thuần túy ở cấp độ cá nhân và bao gồm các buổi tư vấn ngắn tại cơ sở chăm sóc ban đầu. Hai biên pháp còn lại bao gồm các buổi tư vấn nhóm, tại môi trường đại học hoặc tại bối cảnh cộng đồng ở nông thôn. Cả hai hướng tiếp cận này đều cho thấy tác dụng đáng kể trong việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. Các buổi tư vấn dài hơn có tác dụng lớn hơn so với các buổi tư vấn ngắn. Nếu đối tượng tư vấn được phép tự đặt ra mục tiêu cho bản thân trong việc giảm tiêu thụ rượu bia, kết quả đạt được sẽ có tính bền vững cao hơn..

 

Chế độ ăn uống không lành mạnh và hoạt động thể chất

Tỷ lệ người thừa cân ở Việt Nam chiếm 18% tổng dân số, ở Myanmar là 24%, và ở Indonesia là khoảng 28%. Phần lớn trong số 20 nghiên cứu mà chúng tôi đã xác định có liên quan đến các biện pháp can thiệp nhằm mục đích thay đổi hành vi tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và lười vận động của mọi người. Tựu chung, các nghiên cứu này hướng tới việc giảm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa như huyết áp, đường huyết và chỉ số BMI. Nhìn chung, các can thiệp cộng đồng chẳng hạn như tư vấn nhóm và lập nhóm đi bộ cộng đồng mang lại hiệu quả hơn các can thiệp cá nhân, chẳng hạn như tư vấn cá nhân hoặc tự giám sát. Các chương trình phòng chống béo phì tại trường học cũng khá thành công, nhưng chỉ tập trung vào học sinh.

Các kết quả từ cả các can thiệp tại cộng đồng và các can thiệp ở trường học cho thấy sự hợp tác xuất hiện trong các nhóm hoặc cộng đồng, điều không có trong các chương trình dựa trên cá nhân. Trong các nhóm, mọi người khuyến khích nhau ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Họ có nhiều khả năng vượt qua sự trì hoãn của cá nhân hơn. Kết quả mà các chương trình chúng tôi nghiên cứu đã đạt được chủ yếu nằm ở cải thiện huyết áp. Mức đường huyết, cân nặng và chỉ số BMI không có sự thay đổi nhiều. Mọi người có xu hướng thay đổi chế độ ăn uống của họ nhiều hơn là hoạt động thể chất.

 

Khám sàng lọc

Việc sàng lọc các bệnh không lây nhiễm có sự phát triển chậm tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam, gặp phải nhiều hạn chế dẫn tới việc chẩn đoán bệnh muộn. Hầu hết các chương trình sàng lọc ở ba quốc gia hiện nay đều được phát triển trong lĩnh vực ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú. Chỉ có một số chương trình thử nghiệm nhỏ hơn trong việc tầm soát tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Tại Indonesia, Posbindu đang phát triển như một chương trình quốc gia. Tuy nhiên, Khảo sát Nghiên cứu Sức khỏe Cơ bản mới nhất ở Indonesia cho thấy chỉ một phần tư số người được xét nghiệm dương tính với bệnh tiểu đường trong cuộc khảo sát, đã từng được sàng lọc trước đó, ví dụ như Posbindu. Nhiều người được chẩn đoán quá muộn khi họ mắc bệnh.

Ngay cả khi đã có khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, tỷ lệ đi khám cũng khá thấp. Việc cung cấp thông tin cho những cá nhân có nguy cơ và nhắc nhở họ qua điện thoại có thể tăng tỷ lệ sàng lọc. Các nghiên cứu về tầm soát ung thư vú không cho thấy tác động đáng kể nào từ các buổi giáo dục cũng như cung cấp thông tin.

 

Giáo dục về sức khỏe

Đối với những người mắc bệnh không lây nhiễm, việc tuân thủ điều trị và các hướng dẫn liên quan tới lối sống là rất quan trọng, bởi vì đây là những bệnh theo suốt đời. Các chương trình giáo dục sức khỏe cho người mắc bệnh tiểu đường có thể giúp bệnh nhân giảm huyết áp, và ở một mức độ nào đó giảm cả lượng đường trong máu. Tuy nhiên, thông tin này không có tác động đáng kể đối với cân nặng hoặc chỉ số BMI. Cung cấp thông tin chuyên sâu thông qua tư vấn cá nhân, giáo dục trực tiếp và gọi điện thoại dường như có tác động tích cực lớn hơn so với chỉ cung cấp tài liệu ví dụ như tờ rơi hay sổ tay. Cung cấp thông tin cho các thành viên gia đình của bệnh nhân và hướng dẫn họ cách hỗ trợ bệnh nhân có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

 

Tổ chức công tác hỗ trợ

Các bệnh không lây nhiễm cần có sự kiểm tra thường xuyên để biết được liệu người bệnh có dùng thuốc và tuân thủ theo các lời khuyên về lối sống không. Ngoài ra thì cũng cần phải kiểm tra định kỳ mức đường huyết và huyết áp. Các tư vấn y tế và tâm lý bổ sung có tác dụng cải thiện các chỉ số chuyển hóa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật đối với người bị tiểu đường hoặc mắc các bệnh về tim mạch. Trong một số trường hợp, sự can thiệp của dược sĩ tại địa phương có thể mang lại thành công. Các phương pháp theo dõi khác, ví dụ như qua điện thoại thường xuyên, cho thấy mức độ thành công thấp hơn.