Quan điểm cốt lõi của dự án SUNI-SEA
Mục tiêu chính của dự án SUNI-SEA là đánh giá sự phối hợp giữa các hoạt động cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu trong lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (BKLN).
Dự án sẽ tập trung vào:
- Các hoạt động cộng đồng, bao gồm tăng cường sức khỏe và duy trì lối sống lành mạnh cũng như sàng lọc BKLN trong các nhóm cộng đồng bởi các tình nguyện viên.
- Các can thiệp tại cơ sở Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu (PHC), tập trung vào chẩn đoán sớm và điều trị y tế tại các cơ sở.
- Sự phối hợp giữa cộng đồng và các cơ sở y tế trong việc chuyển gửi người có nguy cơ để chẩn đoán, điều trị đến việc thay đổi hành vi lối sống.
Dự án cũng sẽ nghiên cứu các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện ba mảng hoạt động trên. Hình dưới đây phản ánh trọng tâm cốt lõi của dự án ở Indonesia, Myanmar và Vietnam.
Dự án SUNI-SEA sẽ nghiên cứu các chương trình đang được triển khai ở Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Dự án sẽ tăng cường việc thực thi các chương trình, ví dụ như thông qua nâng cao năng lực.
Indonesia
Các can thiệp dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và kiểm soát BKLN
- Posbindu là một chương trình dành cho các công dân từ 15 tuổi trở lên, với mục đích tìm ra các nhóm nguy cơ đối với BKLN trên cả nước. Người dân được sàng lọc và chuyển đến các cơ sở y tế nếu được phát hiện bị tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Chương trình đang được triển khai tại cộng đồng, có 5 bảng đánh giá để sàng lọc và tư vấn sau phát hiện. Tình nguyện viên y tế cộng đồng cung cấp các dịch vụ này.
- Posyandu Lansia hướng tới 2,5 triệu người cao tuổi (khoảng 12% dân số), giúp họ tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng như xem xét các hoạt động sống hàng ngày (ADL). Chương trình này được giám sát bởi Puskesmas, qua đó kết nối các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các can thiệp dựa vào cộng đồng. Posyandu Lansia được thực hiện bởi cộng đồng, cán bộ, tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức tư nhân và tổ chức xã hội. Các cán bộ chịu trách nhiệm cho một nhóm các hộ gia đình, thúc đẩy sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động.
- Câu lạc bộ Persadia bao phủ gần như cả nước và tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường.
Ba loại can thiệp kể trên được hỗ trợ bởi ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương. Họ khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc phát hiện sớm, theo dõi những người có nguy cơ mắc BKLN, được kết hợp với các hoạt động cộng đồng khác (trường học, nơi làm việc và nhà ở).
Can thiệp tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong việc chẩn đoán và điều trị BKLN
Các can thiệp liên quan đến BKLN được triển khai ở cấp độ dịch vụ y tế cơ sở – ví dụ tại Puskesmas (trung tâm y tế công cộng) hoặc bác sĩ gia đình từ năm 2010 – là một phần của gói dịch vụ y tế cơ bản. Các dịch vụ BKLN được bảo hiểm y tế xã hội quốc gia chi trả. Năm 2016, Bảo hiểm y tế xã hội quốc gia đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động để sàng lọc. Khi phát hiện nguy cơ mắc BKLN ở mức trung bình hoặc cao, người tham gia sẽ được khuyến cáo tham vấn nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để được theo dõi. Hơn một triệu người tham gia bảo hiểm y tế quốc gia đã được sàng lọc sau khi sử dụng ứng dụng kể trên; tuy nhiên, rất nhiều người không tiếp cận được với hình thức này.
Chính sách bảo hiểm y tế
Kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2014, bảo hiểm y tế xã hội quốc gia (BPJS Kesehatan) cung cấp bảo hiểm y tế quốc gia cho toàn bộ dân số. Hơn 50% dân số hiện đang có bảo hiểm.
Myanmar
Các can thiệp dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và kiểm soát BKLN
- Các nhóm tự lực (ISHG) thúc đẩy nhận thức về sức khỏe và huy động sự tham gia của cộng đồng cùng với các tình nguyện viên cộng đồng được đào tạo, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường sự gắn kết cộng đồng và cải thiện việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu liên quan đến BKLN.
- Hiện tại, có khoảng 150 ISHG ở Myanmar. Phối hợp với HelpAge International, Bộ Y tế có kế hoạch nhân rộng các dịch vụ cộng đồng này.
- Quanh khu vực Yangon, hiện có một mô hình sàng lọc và tư vấn lối sống lành mạnh dựa vào cộng đồng đang được thí điểm.
Can thiệp tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu để chẩn đoán và điều trị BKLN
Các phòng khám thị trấn đang triển khai Gói Can thiệp BKLN thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe ban đầu trong bối cảnh thiếu nguồn lực do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát triển. Chúng bao gồm các can thiệp tác động vào cả cá nhân và cộng đồng. Chính phủ đã bắt đầu mở rộng gói dịch vụ này ở tất cả các thị trấn của Myanmar.
Chính sách bảo hiểm y tế
Năm 2017, Chương trình Y tế Quốc gia đã được đưa ra với mục đích mở rộng gói dịch vụ y tế thiết yếu cơ bản, tăng khả năng cung cấp dịch vụ và giảm chi phí cho người dân. Chính phủ đang thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân (sẽ hoàn thành vào năm 2030), và bắt đầu thí điểm chính thức tại cơ quan sự nghiệp chính thống.
Vietnam
Các can thiệp dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và kiểm soát BKLN
- Các Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (ISHC) là một mô hình dựa vào cộng đồng nhằm hướng đến già hoá tích cực và khoẻ mạnh.
- Có 1.286 Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau tại Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020 hướng đến có ít nhất một Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau tại 50% số xã/ phường vào năm 2020.
Can thiệp tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu để chẩn đoán và điều trị BKLN
Các biện pháp can thiệp tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam bao gồm sàng lọc và quản lí bệnh tăng huyết áp và tiểu đường, đảm bảo cung cấp thuốc và thiết bị cơ bản để theo dõi và điều trị tại Trạm y tế xã. Hiện nay, Việt Nam đang thử nghiệm nhiều phương án khác nhau đối với các chương trình liên quan đến BKLN ở cấp cơ sở y tế.
Chính sách bảo hiểm y tế
Vào tháng 10 năm 2017, chính phủ bắt đầu triển khai bảo hiểm y tế (Nghị quyết 20-NQ/TW) với mục tiêu 80% người dân có bảo hiểm vào năm 2018 và hướng tới 95% người dân có bảo hiểm vào năm 2025. Với nỗ lực rất lớn, tính đến tháng 6 năm 2018, đã có 85% người dân có bảo hiểm y tế tại Việt Nam.