Phân tích hiệu quả chi phí của các can thiệp về Bệnh không lây nhiễm ở Đông Nam Á: Đánh giá tổng quan về tài liệu

|
Phân tích hiệu quả chi phí của các can thiệp về Bệnh không lây nhiễm ở Đông Nam Á: Đánh giá tổng quan về tài liệu

Vào năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một danh sách cập nhật các can thiệp “đáng tiền nhất” với mục đích cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về hiệu quả chi phí và các can thiệp được khuyến nghị tập trung vào việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (BKLN). Các can thiệp này tập trung vào cả những yếu tố khiến gia tăng nguy cơ mắc BKLN (thuốc lá, làm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và sự lười vận động thể chất) và bốn lĩnh vực bệnh khác nhau (bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mãn tính). WHO lựa chọn các biện pháp can thiệp này dựa vào tính hiệu quả đã được chứng minh và một mối liên hệ rõ ràng tới mục tiêu giảm thiểu BKLN trên toàn cầu. Tất cả các biện pháp can thiệp được lựa chọn đều đã được kiểm nghiệm dựa trên ngưỡng hiệu quả chi phí trung bình của WHO là ít hơn $100 cho mỗi năm sống bị mất đi do bệnh tật được ngăn ngừa tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Chúng tôi đã so sánh các nghiên cứu đánh giá về hiệu quả chi phí thực hiện tại Đông Nam Á với danh sách các can thiệp “đáng tiền nhất” của WHO.

 

Sử dụng thuốc lá

Dựa theo danh sách “đáng tiền nhất” của WHO, có rất nhiều các biện pháp can thiệp khác nhau được cho là có hiệu quả chi phí cao. Trong số các can thiệp này bao gồm việc tăng giá các mặt hàng thuốc lá, thay đổi thiết kế bao bì sản phẩm thuốc lá để chúng trở nên kém hấp dẫn hơn, cấm việc tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, ngăn ngừa việc hít phải khói thuốc thụ động, và các chiến dịch truyền thông đại chúng về tác hại của thuốc lá.

Việc tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá sẽ đạt hiệu quả về chi phí ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Các nhãn dán cảnh báo bằng hình ảnh trên bao bì cũng sẽ đạt hiệu quả về chi phí. Chiến dịch truyền thông tuyên truyền chống hút thuốc sẽ là rất hiệu quả đối với người dân tại Việt Nam.

Nhân viên tư vấn, cấp phát thuốc (ví dụ như sản phẩm thay thế nicotine) có thể sẽ đạt hiệu quả chi phí tại một số địa bàn. Tuy nhiên, kết quả tốt nhất sẽ đạt được khi phối hợp các biện pháp can thiệp với nhau, với việc sử dụng nhân viên tư vấn kết hợp cùng với các biện pháp tăng thuế, sử dụng nhãn dán cảnh báo, và cấm hút thuốc nơi công cộng.

 

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Việc giảm lượng tiêu thụ muối ăn được coi là một biện pháp quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và quản lý các biến cố về tim mạch. Các can thiệp trong danh sách “đáng tiền nhất” của WHO liên quan tới việc thay đổi chế độ ăn uống không lành mạnh đều tập trung vào việc giảm lượng muối tiêu thụ. Các biện pháp này gồm có giảm lượng muối có trong thực phẩm chế biến sẵn, đưa ra các chiến dịch truyền thông và phổ biến thông tin,  hoặc nâng cao nhận thức thông qua việc gắn nhãn trên bao bì.

Các chiến dịch truyền thông đại chúng tập trung vào việc giảm lượng muối ăn tiêu thụ là phương án có hiệu quả chi phí tốt nhất ở Việt Nam. Một thỏa thuận tự nguyện với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm để giảm lượng muối có trong thực phẩm chế biến sẵn, kết hợp với việc giáo dục về sức khỏe qua truyền thông là biện pháp có hiệu quả chi phí tốt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc điều trị bằng nhiều loại thuốc đối với những người có nguy cơ gặp biến cố về tim mạch còn có hiệu quả cao hơn nữa về mặt chi phí.

Việc loại bỏ chất béo chuyển hóa thông qua luật pháp và giảm tiêu thụ đường thông qua đánh thuế các loại đồ uống có đường là các biện pháp khác được sử dụng để giảm thiểu chế độ ăn uống không lành mạnh. Việc tăng thuế đối với đồ uống có đường tại Indonesia và Philippines đã cho thấy hiệu quả chi phí tốt trong việc phòng ngừa các BKLN như đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và béo phì. Rất tiếc là không có can thiệp cụ thể nào tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu được đánh giá về hiệu quả chi phí tại địa bàn Đông Nam Á.

 

Bệnh tim mạch

Trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tim mạch, danh sách “đáng tiền nhất” của WHO chỉ liệt kê một can thiệp duy nhất. Biện pháp này tập trung vào việc phòng ngừa ban đầu cho các bệnh tim mạch: điều trị bằng thuốc (đối với bệnh đái tháo đường và kiểm soát tình trạng tăng huyết áp) và tư vấn đối với những người có tiền sử bị đau tim, đột quỵ, hoặc thuộc diện có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Việc điều trị huyết áp tâm thu cho cá nhân là một biện pháp có tính hiệu quả cao về mặt chi phí, tuy nhiên, đây không phải là một can thiệp nằm trong khả năng tiếp cận của nhiều người tại các quốc gia Đông Nam Á.

Sàng lọc dựa vào giới tính và độ tuổi có thể góp phần giúp cho việc phân bổ nguồn lực vốn khan hiếm được tốt hơn cho việc điều trị sớm. Tại Việt Nam, một chiến lược sàng lọc tại cộng đồng cho những ca tăng huyêt sáp chưa được chẩn đoán và điều trị đã là một biện pháp có tính hiệu quả chi phí cao trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch.

Khi nhắc tới việc điều trị bệnh tim mạch, danh sách “đáng tiền nhất” của WHO đề cập tới việc điều trị bằng thuốc và tư vấn cho các cá nhân đã từng bị đau tim hoặc bị đột quỵ. Nhiều phương pháp điều trị bằng dược phẩm đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính và ngăn ngừa sốt thấp khớp và bệnh thấp tim có tác dụng tốt và có hiệu quả chi phí cao, nhưng lại có chi phí đắt hơn.

Tóm lại, khi tập trung vào phòng ngừa sơ cấp và thứ cấp đối với bệnh tim mạch tại môi trường cộng đồng hoặc cơ sở chăm sóc ban đầu, việc điều trị bằng thuốc cần phải là một trong những ưu tiên. Việc khám sàng lọc, nhất là trong cộng đồng, có thể là một biện pháp bổ sung có hiệu quả chi phí tốt để phát hiện ra những trường hợp có nguy cơ cao hoặc các bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Tuy nhiên, với nguồn lực có sẵn hạn chế thì việc đầu tư vào việc giáo dục về việc phòng ngừa bệnh tim mạch thông qua phương tiện truyền thông đại chúng cần phải được xem xét đầu tiên, bởi đây là biện pháp có chi phí thấp hơn.

 

Đái tháo đường type 2

Trong danh sách “đáng tiền nhất”, WHO khuyến nghị sử dụng các can thiệp lối sống đối với việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường trong dân cư. Ở Đông Nam Á, các chương trình tự quản lý đối với người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường có hiệu quả chi phí cao, khả năng là do chúng có thời gian phân tích dài hơn.

Kiểm soát đường huyết là biện pháp có hiệu quả chi phí cao đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp dựa theo danh sách “đáng tiền nhất” của WHO. Biện pháp kiểm soát đường huyết đa ngành có hiệu quả chi phí cao tại khu vực Đông Nam Á.

Tóm lại, khi tập trung vào việc phòng ngừa sơ cấp và thứ cấp đối với bệnh đái tháo đường tại môi trường cộng đồng hoặc cơ sở chăm sóc ban đầu, các can thiệp về lối sống và/hoặc điều trị bằng thuốc cần phải được tính đến.