Myanmar

Home / Sites / Myanmar

Bối cảnh

Myanmar là một đất được Đông Nam Á giáp với Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, với dân số ước tính khoảng 51,41 triệu người. Có hơn 135 dân tộc khác nhau cư trú tại 15 tiểu bang và khu vực.

Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất và đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe. Dân số Myanmar có tuổi thọ trung bình thấp nhất trong khu vực (64.7 tuổi). Myanmar phải đối mặt với thách thức kép trong việc đáp ứng nhu cầu sức khỏe cơ bản của người dân trong khi giải quyết một loạt các bệnh không lây nhiễm (BKLN) ngày càng trở nên phổ biến trong thập kỷ qua.

BKLN phổ biến hơn ở người cao tuổi, và khi dân số Myanmar càng già đi, tỷ lệ hiện mắc của bệnh ngày càng tăng. Năm 2018, BKLN chiếm 68% số ca tử vong ở Myanmar, tăng từ 36% vào năm 1990, theo WHO. Lối sống không lành mạnh, bao gồm sử dụng thuốc lá và rượu, chế độ ăn uống kém và thiếu hoạt động thể chất diễn ra phổ biến ở Myanmar, và những yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân hàng đầu của nhiều BKLN. Hầu hết tất cả người trưởng thành ở Myanmar (94%) đều có ít nhất một yếu tố nguy cơ về BKLN, và 20% dân số có từ 3 yếu tố nguy cơ về các BKLN trở lên.

A woman having blood pressure testTình trạng sử dụng thuốc lá ở nam giới đặc biệt cao, với 44% nam giới hút thuốc lá và 62% sử dụng thuốc lá không khói, ví dụ như nhai trầu. Về chế độ ăn, 86,6% nam giới và phụ nữ tiêu thụ ít trái cây và rau quả một ngày hơn so với khuyến nghị. Khoảng 20% ​​người uống rượu, đặc biệt là nam giới. Tỷ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 22% và 5%.

Dữ liệu của WHO cho thấy 26% phụ nữ và nam giới bị tăng huyết áp, khiến họ có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ; và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường là 10,5% ở những người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 64.

Chính sách y tế

Hệ thống y tế Myanmar không nhận được đầu tư đúng mức. Theo Các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, Myanmar đã chi 2,3% GDP cho y tế trong năm 2014, so với tỷ lệ 6,5% tại các quốc gia trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và 5,7% tại các quốc gia có thu nhập thấp khác. Tuy nhiên, có thể thấy tổng chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang tăng lên – vào năm 2005 con số này chỉ đạt 1,8%. Do đầu tư thấp từ ngân sách nhà nước, các khoản chi trả từ tiến túi của người dân cho các dịch vụ y tế ở Myanmar thuộc hàng cao nhất thế giới, chiếm 81% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe, so với 14% ở Thái Lan và 43% ở khu vực Đông Nam Á.

Năm 2017, Chương trình Y tế Quốc gia Myanmar giai đoạn 2017 – 2021 đã được triển khai với mục đích mở rộng các dịch vụ y tế cơ bản, tăng khả năng cung cấp dịch vụ và giảm chi từ tiền túi của người dân. Chính phủ cũng đã cam kết đạt được Chăm sóc sức khoẻ toàn dân và bao phủ bảo hiểm y tế hoàn toàn vào năm 2030.

Để giải quyết các thách thức do BKLN mang lại, Chính phủ đã thành lập một đơn vị BKLN trong Phòng Y tế công cộng của Bộ Y tế và thể thao và đã mở rộng một gói các can thiệp thiết yếu cho BKLN (viết tắt là PEN) cần thiết, bao gồm các phương pháp ít tốn kém để phát hiện và chẩn đoán sớm BKLN, tiếp cận để điều chỉnh các yếu tố nguy cơ mắc các BKLN, và thuốc với giá cả phù hợp. PEN đã được triển khai tại 220 thị trấn cho đến nay, và hướng đến tiếp cận được 330 thị trấn theo kế hoạch.

Kế hoạch chiến lược quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát BKLN (giai đoạn 2017-2021) đã được triển khai, với sự hỗ trợ của HelpAge International, để tiến hành các công việc liên quan đến BKLN và đưa kế hoạch trở thành một ưu tiên về sức khỏe, theo dõi xu hướng của các yếu tố rủi ro và giải quyết chúng. Việc thiếu kinh phí cho các chương trình liên quan đến BKLN và thiếu sự hợp tác liên ngành và liên cơ quan vẫn đang là những thách thức trong việc triển khai kế hoạch này.

Hệ thống y tế Myanmar

Khoảng 70% dân số Myanmar sống ở khu vực nông thôn. Có khoảng 30.000 bác sĩ và 55.000 y tá và nữ hộ sinh phục vụ hơn 51,4 triệu người, nhưng chưa đến một nửa số bác sĩ này làm việc trong khu vực công. Điều này khiến cho việc phân bổ nhân viên trong các cơ sở y tế tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn.

Trong các khu vực nghiên cứu ở cấp thị trấn, bệnh viện có từ 50 đến 200 giường tùy thị trấn, một cán bộ y tế, hai đến bốn trợ lý phẫu thuật và nhiều y tá. Ở cấp thôn, có các bệnh viện nhỏ với một cán bộ y tế, năm hoặc sáu y tá và 25 giường, trung tâm y tế vùng nông thôn thường có một trợ lý y tế, một nhân viên tư vấn, nữ hộ sinh và cán bộ giám sát y tế công cộng, và các trung tâm y tế tiểu nông thôn chỉ có một nữ hộ sinh và cán bộ giám sát sức khỏe cộng đồng. Những cơ sở nhỏ này cung cấp dịch vụ y tế cơ bản. Không có hoạt động dựa vào cộng đồng liên quan đến BKLN.

Ngoài ra, tất cả các khóa đào tạo y tế được cung cấp bởi các trường đại học công ở các thành phố lớn, điều này hạn chế sự có mặt của lực lượng nhân viên y tế được đào tạo ở các vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. Nhiều cơ sở y tế cần phải được nâng cấp và tân trang, bao gồm các phương tiện và thiết bị cơ bản, do hạn chế trong việc vận chuyển các thiết bị cồng kềnh đã làm cản trở hiệu quả của dịch vụ y tế, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp như đau tim và đột quỵ.

Các Nhóm Hòa nhập Tự giúp nhau là gì?

Nhóm Hòa nhập Tự giúp nhau (ISHG) là các nhóm dựa vào cộng đồng do những người cao tuổi điều hành. Được biết đến với tên gọi lu hmu ar man (Sức mạnh cộng đồng) tại Myanmar, ISHG là tổ chức được tạo thành dựa trên sự tham gia tự nguyện của thành viên, chủ yếu do người cao tuổi và những người khuyết tật đứng đầu. Họ hỗ trợ dân làng cải thiện sức khỏe của các thành viên cộng đồng thông qua việc thúc đẩy lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và chỉ dẫn thành viên đến các trung tâm y tế. Họ cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp và thực hiện hướng dẫn đào tạo nhằm hỗ trợ thành viên xây dựng sinh kế để họ có thu nhập thường xuyên và ổn định. Và họ giúp các cá nhân tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội, chẳng hạn như lương hưu và trợ cấp khuyết tật.

ISHG là phiên bản hoàn thiện hơn của mô hình nhóm người cao tuổi tự giúp nhau mà HelpAge đã triển khai từ năm 2009. Mô hình này được thiết kế lại tập trung vào phạm vi cộng đồng rộng hơn nhằm bao gồm tất cả những người dễ bị tổn thương. Nghĩa là, mô hình này sẽ kết nối các cá nhân ở mọi lứa tuổi, tạo điều kiện để các thành viên trẻ tuổi hơn có thể làm việc và hỗ trợ người cao tuổi.

HelpAge International đang hợp tác với Sở Phúc lợi xã hội để thành lập thêm 664 Nhóm Hòa nhập Tự giúp nhau vào năm 2023, bên cạnh 136 nhóm hiện có, đưa tổng số Nhóm Hòa nhập Tự giúp nhau đạt 800 nhóm theo mục tiêu. HelpAge International đang dần chuyển từ vai trò điều hành hoạt động của các nhóm sang vai trò cố vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự quốc gia – những đơn vị sẽ tiếp quản điều hành hoạt động trực tiếp từ năm 2020 đến năm 2023.

Địa bàn nghiên cứu

Ở Myanmar, tổ chức HelpAge đang có hoạt động tại 150 thôn làng – 75 làng “điều hành” bởi ISHG và 75 làng không có ISHG trên khắp các vùng Mandalay, Ayeyawaddy và Yangon, đại diện cho vùng nông thôn khô hạn, vùng nông thôn đồng bằng và vùng thành thị nhằm đảm bảo bối cảnh địa lý đa dạng. Tổng dân số của những thôn làng này là 122.930 người. HelpAge đã làm công việc phát triển cộng đồng tại các khu vực này kể từ năm 2009.

Thông qua dự án SUNI-SEA, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sẽ được thí điểm thực hiện tại một số nhóm Tự giúp nhau (ISHG) tại vùng Đông Dagon, Khu vực Yangon và có kế hoạch mở rộng ra 75 nhóm ISHG tại các khu vực Yangon, Mandalay và Ayeyarwady. Nếu các hoạt động đó của dự án đạt được thành công và cho thấy có hiệu quả trong việc giảm thiểu gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm gây ra, thì các hoạt động này sẽ được mở rộng ra nhiều nhóm ISHG hơn nữa thông qua các dự án khác.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn chính trị gần đây, các hoạt động của dự án phải điều chỉnh cho phù hợp với những nhu cầu hiện tại. Các hoạt động dự án bao gồm tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh Tăng huyết áp và Đái tháo đường, cộng với hoạt động tự sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn như lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Sự phối hợp giữa các nhóm cộng đồng và các cơ sở y tế tiếp tục là hợp phần căn bản trong dự án tại Myanmar, việc chuyển gửi đến các cơ sở y tế sẽ được thực hiện nếu các dịch vụ y tế sẵn có tại khu vực dự án. Các hoạt động về sức khỏe khác bao gồm các hoạt động xã hội cho một sức khỏe tâm thần khỏe mạnh, nâng cao nhận thức về sức khỏe cũng như các dịch vụ chăm sóc tại nhà dựa vào cộng đồng cũng sẽ được triển khai đến những người cần nhất.

 

Đối tác triển khai

HelpAge International tại Myanmar đóng vai trò là điều phối viên quốc gia và hỗ trợ triển khai tất cả các gói công việc tại Myanmar. Nghiên cứu sẽ được thực hiện với sự cộng tác của một đối tác tại địa phương, Đại học Y tế Công cộng và các bên liên quan khác bao gồm các Nhóm Hòa nhập Tự giúp nhau tại cộng đồng.

Nguồn số liệu:
World Health Organization, Noncommunicable Diseases (NCD) Country Profiles, 2018. Available at: https://www.who.int/nmh/countries/2018/mmr_en.pdf?ua=1 [Accessed 16 Jun. 2019].
World Health Organization, Findings of the 2014 Myanmar STEPS survey on Diabetes Mellitus and Non-Communicable Diseases risk factors presented in Nay Pyi Taw. Available at: http://www.searo.who.int/myanmar/areas/ncd_steps_survey/en/ 
Grundy J, Annear P, Ahmed S, Biggs BA., Adapting to social and political transitions – the influence of history on health policy formation in the Republic of the Union of Myanmar (Burma), Soc Sci Med. 2014 Apr; 107: 179–188. Available at https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24631995