Project overview

Home / Project / Project overview

Nhân rộng can thiệp liên quan tới các bệnh không lây nhiễm khu vực Đông Nam Á

Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu và gánh nặng của BKLN đang gia tăng không đồng đều giữa các quốc gia và dân số có thu nhập thấp. Ba phần tư số ca tử vong do BKLN là ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC).

Dự án nghiên cứu “Nhân rộng can thiệp về các bệnh không lây nhiễm khu vực Đông Nam Á” được đề xuất nhằm giải quyết các mối lo ngại ngày càng tăng về các BKLN và các gánh nặng mà nó mang lại. Dự án nghiên cứu này sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, bắt đầu từ năm 2019, tại Việt Nam, Indonesia và Myanmar dưới sự hợp tác của một Liên minh gồm 9 đơn vị thành viên đến từ Châu Âu và Đông Nam Á.

Mục tiêu tổng thể của dự án SUNI-SEA là đánh giá và xác định tính hiệu quả và chi phí hiệu quả các chiến lược nhân rộng các chương trình quản lý và phòng chống bệnh tiểu đường và cao huyết áp dựa trên bằng chứng, đồng thời áp dụng các kết quả để tăng cường hành động bền vững nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), dựa trên kinh nghiệm ở Đông Nam Á.

Phương pháp nghiên cứu

Trong khi các nước ở châu Âu phải vật lộn với chi phí ngày càng tăng của các bệnh mãn tính, Indonesia, Myanmar và Việt Nam đã phát triển các chiến lược đổi mới để ngăn chặn dịch bệnh tim mạch và tiểu đường trong giai đoạn đầu bằng cách:

  • Chuyển giao các chương trình phòng chống và quản lý các BKLN từ bệnh viện về các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu;
  • Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và đưa các nội dung phòng bệnh và tự quản lý các BKLN về các hộ gia đình;
  • Chỉ ra các mối liên quan giữa phòng chống các BKLN và vấn đề phát triển Kinh tế – Xã hội;
  • Giới thiệu mô hình tài chính tích hợp giữa hoạt động phòng bệnh và hoạt động chăm sóc lâm sang đối với các BKLN.

Tóm lại, các nước tham gia nghiên cứu này đang cố gắng tạo ra sự đổi mới trong việc phối hợp trong và liên ngành. Các đơn vị liên quan ở Đông Nam Á hy vọng rằng với một cơ sở bằng chứng vững chắc, họ sẽ có thể tối ưu hóa các sáng kiến ​​mới của mình để đạt được kết quả toàn diện trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các BKLN.

SUNI-SEA sẽ sử dụng các hoạt động nhân rộng sẵn có về quản lý và phòng chống tăng huyết áp và tiểu đường ở Indonesia, Myanmar và Việt Nam để khởi đầu dự án. Việc này sẽ liên kết các hoạt động hiện có, đẩy mạnh các chương trình đang diễn ra, kết hợp với các hoạt động tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, và giám sát quá trình nhân rộng một cách tỉ mỉ, để qua đó đưa ra các khuyến nghị nhằm mở rộng các chương trình liên quan đến BKLN.

.

Chủ đề và hoạt động nghiên cứu

Dự án nghiên cứu SUNI-SEA có ba chủ đề chính:

  • Hiệu quả (Effectiveness) của chương trình can thiệp phòng ngừa và quản lý tăng huyết áp và bệnh tiểu đường. Làm thế nào các quốc gia có thể tăng khả năng tiếp cận chương trình phòng ngừa và chăm sóc, thông qua việc xác định được nhiều hơn các đối tượng cần được chăm sóc? Làm thế nào các quốc gia có thể loại bỏ các rào cản trong việc phòng ngừa và chăm sóc, đồng thời tạo ra các dịch vụ được mọi người chấp nhận? Và, làm thế nào các quốc gia có thể cải thiện chất lượng phòng ngừa và chăm sóc cả ở cấp độ cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu?
  • Tính Chi phí – Hiệu quả (Cost-effectiveness) của chương trình can thiệp phòng ngừa và quản lý tăng huyết áp và bệnh tiểu đường. Làm thế nào các quốc gia có thể mở rộng quy mô can thiệp và sử dụng chi phí một cách tối ưu nhất? Cơ chế tài chính nào hoạt động tốt hơn trong bối cảnh các nước thu nhập thấp đang phát triển cơ chế bảo hiểm y tế để giảm chi phí y tế thảm hoạ cho các BKLN? Làm thế nào để có thể thực hiện phòng ngừa tốt nhất trong điều kiện tài chính này?
  • Các công cụ quản lý BKLN toàn cầu (Global NCD Instruments), tập trung vào các phương pháp dựa trên bằng chứng trong việc tăng cường can thiệp các BKLN và sử dụng chúng để tiếp cận và quản lý theo phương pháp mới một cách bền vững và toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến tăng huyết áp và tiểu đường

Nghiên cứu sẽ được triển khai một cách có hiệu quả thông qua việc kết hợp với phương pháp tiếp cận đặc trưng, dựa trên 3 ba chủ đề chính: hiệu quả, hiệu quả chi phí và các công cụ quản lý BKLN toàn cầu, Việc thu thập dữ liệu định tính và định lượng sẽ được thực hiện bằng cách áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.

Trình tự nghiên cứu ở SUNI-SEA

Trình tự nghiên cứu của dự án được minh họa như hình dưới đây đối với cả 3 chủ đề của nghiên cứu:

1. Nghiên cứu hồi cứu: Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ thu thập các sáng kiến ​​hiện có trong cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong việc giảm gánh nặng bệnh tật do tăng huyết áp và tiểu đường ở Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Những hoạt động nào là tốt nhất trong việc tiếp cận mọi người, sử dụng những hoạt động đó phòng chống BKLN đồng thời cung cấp dịch vụ và sàng lọc tốt nhất như thế nào? Những hoạt động nào có tính chi phí hiệu quả cao nhất? Giai đoạn này bao gồm nghiên cứu tài liệu, phân tích dữ liệu hiện có từ các quốc gia và thu thập dữ liệu ban đầu để xác minh các giả định liên quan đến hiệu quả và chi phí-hiệu quả. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ đưa ra đánh giá về chất lượng dịch vụ chăm sóc được cung cấp.

2. Đánh giá ban đầu: Nghiên cứu hồi cứu sẽ dẫn đến đánh giá cơ bản về các hoạt động, can thiệp, chương trình và chính sách hiện có. Mô hình nào là khả thi nhất và có khả năng cung cấp lợi ích tối ưu cho các quốc gia? Mô hình nào có khả năng cung cấp kết quả tốt nhất khi nhân rộng?

3. Nghiên cứu tiến cứu: Trong nghiên cứu tiến cứu, các nhà nghiên cứu sẽ tham gia nghiên cứu thực tiễn cùng với cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, tập trung vào việc nhân rộng các can thiệp và chương trình khả thi nhất được xác định trong đánh giá ban đầu. Trong giai đoạn này, phương pháp tốt nhất để những can thiệp này có thể được thực hiện ở quy mô lớn hơn sẽ được làm rõ nhằm nhân rộng trên toàn quốc và ở các quốc gia khác.

4. Kết quả và bài học cho xây dựng chính sách: Trong giai đoạn cuối, SUNI-SEA sẽ rút ra bài học kinh nghiệm trong việc cải cách chính sách và xây dựng các tài liệu và giáo cụ có thể được sử dụng nhằm cải thiện việc phòng ngừa và chăm sóc toàn cầu đối với các bệnh không lây nhiễm.