Sơ lược giai đoạn hồi cứu

|
Sơ lược giai đoạn hồi cứu

Thông tin cơ bản

Dự án Mở rộng các can thiệp về các bệnh không lây nhiễm trong khu vực Đông Nam Á (SUNI-SEA) là một dự án nghiên cứu kéo dài 4 năm diễn ra tại ba nước gồm có Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Mục đích của dự án là phát triển một bộ hướng dẫn và công cụ dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực bệnh không lây nhiễm (BKLN) sẽ được sử dụng ở Đông Nam Á. SUNI-SEA làm việc với Chính phủ Indonesia, Myanmar và Việt Nam, để tăng cường các hoạt động nâng cao của họ trong việc phòng ngừa và quản lý BKLN.

Dự án SUNI-SEA hướng đến mục tiêu tạo ra sự nhất quán trong phòng ngừa và quản lý BKLN ở cấp cộng đồng. Dự án cũng mong muốn phát huy sự  phối hợp giữa cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 

Tiến độ

Trong năm đầu tiên, dự án đã phân tích tình hình ở từng địa điểm. Chúng tôi đã xem xét những gì đang xảy ra ở mỗi quốc gia liên quan đến việc phòng ngừa và kiểm soát BKLN và so sánh các phát hiện này với những kết quả tìm được trong các tài liệu về hiệu quả hoạt động và hiệu quả chi phí. Chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm từ mỗi quốc gia và liệt kê các điểm mạnh, điểm yếu. Dựa trên những phát hiện đó, chúng tôi đưa ra các khuyến nghị về việc thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và dựa vào cộng đồng trong giai đoạn tiến cứu của SUNI-SEA.

 

Bài học kinh nghiệm

Indonesia, Myanmar và Việt Nam có tất cả các can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu và can thiệp dựa vào cộng đồng. Tại cộng đồng, có các hoạt động nâng cao sức khỏe và phòng ngừa, ví dụ: sàng lọc và can thiệp lối sống. Tại các cơ sở y tế, có các hoạt động như chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Nhìn chung, các quốc gia đều hướng tới việc cung cấp tài chính cho công tác phòng ngừa và kiểm soát BKLN thông qua bảo hiểm y tế mặc dù mức độ bao phủ hiện nay khác nhau.

Các chiến lược phòng chống BKLN ở Indonesia, Myanmar và Việt Nam được xây dựng dựa trên bằng chứng quốc tế về những biện pháp thực sự hiệu quả (ví dụ: các biện pháp can thiệp đối với bệnh không lây nhiễm phổ biến tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu của các nước có thu nhập thấp, gọi tắt là PEN). Nhiều hoạt động ở ba quốc gia này phù hợp với các phát hiện và khuyến nghị từ các tài liệu quốc tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác minh tính liên quan của bằng chứng quốc tế đối với hoàn cảnh địa phương. Để có tác động tối ưu, các kiến thức địa phương cần được làm rõ hơn.

Trên thực tế, các chương trình phòng ngừa BKLN được thực hiện tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, đôi khi là chương trình quốc gia (như ở Indonesia), đôi khi là chương trình thử nghiệm (như ở Việt Nam). Việc tham gia vào các hoạt động sàng lọc và nâng cao sức khỏe chưa phải là tối ưu ở ba nước. Ngay cả khi các dịch vụ được cung cấp, những người trẻ tuổi và nam giới ít có xu hướng sử dụng chúng hơn. Cần tiếp cận nhiều người hơn, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, với số lượng các dịch vụ liên quan được mở rộng.

Có bằng chứng đầy hứa hẹn về hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực cộng đồng. Nhìn chung, các can thiệp cộng đồng được cho là hiệu quả hơn các can thiệp cá nhân. Một lý do có thể lý giải điều này là sự hỗ trợ của những người có cùng hoàn cảnh dẫn đến cam kết tham gia của cá nhân mạnh mẽ hơn và do đó cải thiện kết quả sức khỏe của bản thân họ.

Các dịch vụ được cung cấp không phải lúc nào cũng đạt chất lượng theo yêu cầu, cả trong cộng đồng và tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Năng lực của tình nguyện viên cộng đồng hoặc nhân viên y tế không phải lúc nào cũng đủ, và không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc và thiết bị. Cần phải phát triển năng lực cho các tình nguyện viên, bao gồm thông qua cả các cơ hội được đào tạo trực tuyến. Cần phải lập bản đồ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiệm vụ và năng lực của nhân viên y tế ở các nước để điều chỉnh việc nâng cao năng lực cho phù hợp với nhu cầu của từng địa điểm.

Tất cả các quốc gia đều có cơ hội nâng cao sức mạnh tổng hợp giữa cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và can thiệp dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả chi phí của các chương trình.

Further reading

Khuyến nghị

  1. Tăng cường trao quyền cho các thành viên cộng đồng, vì nó có hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe, có thể bằng cách ảnh hưởng đến hiệu quả của bản thân. Điều kiện tiên quyết quan trọng để đạt được mục tiêu này là sự tin tưởng giữa các thành viên cộng đồng và các chuyên gia, cán bộ hoặc tình nguyện viên cộng đồng.
  2. Triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, cả ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình dựa vào cộng đồng. Việc xây dựng năng lực phải phù hợp với điều kiện và cấu trúc của địa phương.
  3. Đầu tư vào các biện pháp can thiệp dựa vào cộng đồng, vì chúng có khả năng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa quan trọng bao gồm sàng lọc và giáo dục sức khỏe. Vai trò của Nhân viên Y tế Cộng đồng hoặc Tình nguyện viên là rất quan trọng. Họ có thể là cầu nối giữa cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Do đó, cần đầu tư vào việc tăng cường kiến thức và kỹ năng của họ
  4. Xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho các chuyên gia và tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe để thực hiện hiệu quả việc sàng lọc, phòng ngừa và kiểm soát BKLN toàn diện phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. Việc học trực tuyến và tìm hiểu thông tin dựa trên internet ngày càng trở nên phù hợp hơn.
  5. Khuyến khích các nhóm cộng đồng kiểm soát các BKLN. Thu hút các nhóm nhỏ hơn có sự tham gia của những người có các yếu tố nguy cơ cao rất quan trọng để có thể đạt được thành công. Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè cần được đẩy mạnh để hỗ trợ cá nhân thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe và tự quản lý sức khỏe của họ.
  6. Cải thiện khả năng tiếp cận thông tin ở cấp cộng đồng thông qua các kênh khác nhau như gặp gỡ trực tiếp, truyền thông đại chúng và thông tin trên internet
  7. Áp dụng cách tiếp cận toàn diện như trong Mô hình chăm sóc bệnh mãn tính. Điều này có nghĩa là phải có sự theo dõi sau khi sàng lọc và điều trị, đồng thời cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu phải phối hợp với nhau. Tích cực nhắc đặt lịch hẹn để tăng cường khả năng các cá nhân tới khám sàng lọc, tham gia các khóa học sức khỏe cũng như tuân thủ điều trị.