ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU TẠI VIỆT NAM – HIỂU RÕ HƠN ĐỂ CAN THIỆP TỐT HƠN

|
ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU TẠI VIỆT NAM – HIỂU RÕ HƠN ĐỂ CAN THIỆP TỐT HƠN

Cuối năm 2020, Hội thảo khởi động Dự án SUNI-SEA đã được tổ chức tại Ninh Bình, Việt Nam nhằm giới thiệu và xin ý kiến của các bên liên quan về  nội dung và các hoạt động can thiệp dự kiến.

Theo kế hoạch, nhóm thực hiện Dự án tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế (SYT) Ninh Bình đã triển khai hoạt động điều tra ban đầu tại 4 huyện/thành phố của tỉnh Ninh Bình (huyện Yên Mô, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình), trong đó Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và trường Đại học Y Dược Thái Nguyên là hai đơn vị phụ trách chính. Hoạt động khảo sát chia làm hai giai đoạn và được thực hiện trong quý đầu năm 2021.

Đánh giá ban đầu đã tập trung tìm hiểu thực trạng cung ứng các dịch vụ y tế liên quan đến bệnh Tăng huyết áp (THA) và Đái tháo đường (ĐTĐ) của các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn bệnh nhân và người dân nhằm tìm hiểu tình hình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ quản lý điều trị bệnh THA và ĐTĐ tại cộng đồng. Thêm vào đó, nhóm cũng tiến hành tham vấn các bên liên quan về những nội dung can thiệp dự kiến.

Tại Việt Nam, đánh giá ban đầu được triển khai với sự tham gia của các bên liên quan từ tỉnh đến xã. Trong đó, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý y tế tham gia khảo sát bao gồm: Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân (tuyến huyện và xã), SYT và 4 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện/thành phố. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thu thập thông tin từ các cán bộ y tế tuyến cơ sở (gồm cán bộ trạm y tế (TYT) xã và các nhân viên y tế thôn bản); các bệnh nhân THA/ĐTĐ; các tổ chức dân sự xã hội như Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Bình và Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTHTGN) trên địa bàn.

Trong giai đoạn I, các hoạt động nghiên cứu đã được triển khai bao gồm:

  1. Thực hiện các cuộc thảo luận nhóm tập trung;
  2. Khảo sát các TYT xã/phường thông qua biểu mẫu thu thập thông tin và bảng kiểm;
  3. Đánh giá nhu cầu đào tạo đối với các y/bác sỹ công tác tại các TYT xã/phường/thị trấn và TTYT huyện/thành phố thông qua hình thức phát vấn;
  4. Thử nghiệm bộ công cụ phỏng vấn đối với bệnh nhân THA và thành viên CLB LTHTGN. Sau khi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành hoàn thiện và xây dựng bộ câu hỏi trên máy tính bảng thông qua phần mềm ODK. Đây là phần mềm khảo sát cho phép thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác.

Trong giai đoạn II, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hai cuộc khảo sát tại bốn huyện can thiệp được lựa chọn, bao gồm khảo sát bệnh nhân THA và khảo sát cộng đồng. Bệnh nhân THA tham gia phỏng vấn được lựa chọn từ 12 TYT xã/phường trong khi khảo sát cộng đồng được thực hiện với nhóm các thành viên của CLB LTHTGN trên địa bàn can thiệp.

Đến thời điểm hiện tại, đánh giá ban đầu tại tỉnh Ninh Bình đã kết thúc. Các dữ liệu định lượng và định tính của khảo sát đang được tiến hành làm sạch và phân tích. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thảo luận với địa phương và các bên liên quan để thực hiện các hoạt động can thiệp, như chuẩn bị đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên y tế và cộng đồng. Tại Ninh Bình, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ bắt đầu các hoạt động sàng lọc bệnh THA và ĐTĐ cho các thành viên của CLB LTHTGN sau khi hoạt động đào tạo cho các câu lạc bộ kết thúc.

Với hai tỉnh dự án, Ninh Bình và Hải Phòng, các hoạt động sẽ được thực hiện theo quy trình như nhau, bao gồm Hội thảo tham vấn các bên liên quan, điều tra ban đầu và triển khai các hoạt động can thiệp.

Hoạt động khảo sát ban đầu được kỳ vọng sẽ cung cấp các thông tin và đầu vào cần thiết cho nhóm nghiên cứu để hoàn thiện các chiến lược can thiệp phù hợp với bối cảnh cụ thể tại địa phương, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu để so sánh với dữ liệu sau can thiệp, nhằm đo lường tính khả thi và hiệu quả của Dự án SUNI-SEA.